Quỹ Hỗ trợ Tài năng Lương Văn Can tổ chức chương trình “Truyền thông ứng dụng: Trình bày ý tưởng mạch lạc”

Sáng ngày 15/12/2024, chương trình “Truyền thông ứng dụng: Trình bày ý tưởng mạch lạc” do Quỹ Hỗ trợ Tài năng Lương Văn Can tổ chức đã diễn ra sôi nổi với sự dẫn dắt của diễn giả Trần Vĩnh Trọng. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, báo chí và giáo dục, anh Trọng đã mang đến buổi gặp những chia sẻ sâu sắc, truyền cảm hứng về tầm quan trọng của giao tiếp trong học tập và cuộc sống.

Mở đầu chương trình, anh Trọng nhấn mạnh tầm quan trọng to lớn của các kỹ năng truyền thông trong học tập và cuộc sống hằng ngày của các bạn sinh viên, từ giao tiếp đời thường đến những giao tiếp có tính chất trang trọng/ quan trọng hơn. Theo anh, truyền thông không đơn thuần là truyền tải thông tin trực tuyến hay trên mạng xã hội mà còn là quá trình chia sẻ, trao đổi thông tin thông qua các cuộc hội thoại trong đời sống hàng ngày học tập và công việc. 

Hiểu rõ chính mình

Đầu tiên, anh Vĩnh Trọng và các bạn sinh viên cùng trao đổi và làm rõ những kỳ vọng cá nhân khi tham gia chương trình lần này. Anh nhấn mạnh: kỹ năng truyền thông hoặc giao tiếp là kỹ năng con người và có tính “cá nhân hóa” – tức là mỗi cá nhân sẽ có một hoặc một vài phong cách giao tiếp khác nhau để phù hợp với sở thích, sở trường, kinh nghiệm, trải nghiệm và môi trường sinh hoạt. Do vậy, việc hiểu rõ chính mình và làm việc với bản thân là cần thiết và lâu dài.

Bí quyết xây dựng tư duy

Để từng bước hiểu bản thân cũng như biết được phong cách giao tiếp/ truyền thông phù hợp, diễn giả đã chia sẻ một số kiến thức cơ bản về tâm lý học ứng dụng. Chẳng hạn như, chúng ta có thể xây dựng phong cách và tư duy giao tiếp tự tin thoải mái, ít căng thẳng bằng cách giảm các hormone gây căng thẳng (ví dụ: Cortisol, Adrenaline, Norepinephrine) và tăng hormone “hạnh phúc” (Dopamine, Serotonin, Endorphin và Oxytocin). Muốn làm được điều này, chúng ta có những cách đơn giản như trò chuyện cùng bạn bè thân thiết về chủ đề yêu thích, ăn và uống các món ăn yêu thích, ngủ đủ giấc và tập thể dục… Anh Trọng cũng lưu ý, các bạn sinh viên cần rèn luyện những việc này thường xuyên trong chính cuộc sống thường nhật và trong quá trình học tập của mình. Các bạn có thể bắt đầu rèn luyện bằng cách tập đặt câu hỏi “Tại sao” cho những sự kiện diễn ra, sau đó, tiến tới áp dụng phương pháp “Start with Why” – thực hiện chia sẻ thông tin bằng 3 bước: 

  • Why: Tại sao lại như vậy? Tại sao chúng ta lại chọn làm điều đó?
  • How: Mục tiêu của chúng ta là gì? Chúng ta cần thực hiện những bước gì để đạt được mục tiêu?
  • What: Kết quả, trái ngọt mà chúng ta có thể được nhận lại là gì? 

Theo anh Trọng, phương pháp này có tính ứng dụng cao, có thể áp dụng trong việc hiểu rõ về bản thân và động lực hành động trước khi chọn nghề nghiệp hoặc ngành học tương lai, hoặc khi thực hiện những dự án lớn, hoặc đưa ra những quyết định cột mốc trong cuộc đời. Phương pháp “Start with Why” cũng giúp cho các bạn sinh viên trong giao tiếp và thuyết trình trước đám đông khi giúp tinh thần của các bạn tỉnh táo, xác định đúng mục đích giao tiếp ban đầu và đối tượng giao tiếp, tránh lạc hướng khi trình bày ý kiến và làm cho phần giao tiếp/ thuyết trình trở nên thuyết phục, đáng tin cậy với người khác hơn.

Ngoài ra, anh còn giới thiệu nguyên tắc 3V để giúp các bạn sinh viên ghi trọn điểm khi giao tiếp và thuyết trình, bao gồm:

  • Verbal (diễn đạt bằng từ ngữ, hành động, ghi chú…)
  • Vocal (tốc độ, cao độ, trường độ)
  • Visual (cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ cơ thể khi trình bày)

Các yếu tố 3V này không chỉ gói gọn trong cá nhân người thuyết trình mà còn mở rộng quy mô áp dụng với các tài liệu hỗ trợ truyền thông như slide, video, âm nhạc,… Kết hợp với phương pháp “Start with Why” phía trên và nguyên tắc 3V,  chúng ta sẽ có thể giao tiếp hiệu quả, tự tin và truyền cảm hứng hơn đến người khác. 

Bí quyết đảo ngược tình thế để biến lo lắng thành sự tự tin

Thông qua hoạt động tìm các cặp tính từ trái nghĩa, diễn giả Vĩnh Trọng hướng dẫn các bạn sinh viên chuyển hóa nỗi lo thành sự tự tin, giúp các bạn dễ dàng chinh phục rào cản trong giao tiếp. Ví dụ, nếu cảm thấy người lạnh toát khi chuẩn bị thuyết trình, hãy chủ động chuẩn bị một ly nước để làm ấm cơ thể; nếu lo lắng phần trình bày quá nhàm chán, bạn có thể thử tạo ra một trò chơi đầu giờ để tạo không khí trước khi vào phần thuyết trình chính… Anh Trọng giải thích, các nỗi lo phần nhiều đến từ việc chuẩn bị chưa đủ kỹ lưỡng, do vậy, bạn hoàn toàn có thể áp dụng tư duy “rào trước, đón sau” nhằm tính toán các rủi ro có thể xảy đến cũng như đưa ra phương án khắc phục.

Buổi chia sẻ kết thúc trọn vẹn với phần Q&A giữa các bạn sinh viên Lương Văn Can và anh Vĩnh Trọng. Các bạn sinh viên chia sẻ nhiều thắc mắc của mình không chỉ trong việc giao tiếp và truyền thông mà còn trong cả tư duy và lối sống hàng ngày.  

Quỹ Hỗ trợ tài năng Lương Văn Can xin gửi lời cảm ơn chân thành đến diễn giả Trần Vĩnh Trọng vì những kiến thức vô cùng quý báu và thực tế trong buổi gặp với các bạn sinh viên Quỹ. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai, Quỹ và anh Trọng sẽ tiếp tục có những buổi hợp tác, chia sẻ thiết thực hơn, tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận và học hỏi nhiều hơn.

Nguồn: Ban Truyền thông LVCF